Tại sao ‘người hùng nước Nga’ chưa vươn tầm thế giới?
08:34 Thứ hai 02/07/2018
Luôn là sự lựa chọn số một tại CLB cũng như ĐTQG, thế nhưng Igor Akinfeev lại chưa bao giờ có thể vươn tầm đẳng cấp để "ngồi chung mâm" với những thủ môn hàng đầu thế giới.

Dù xuất sắc là vậy, nhưng tại sao Akinfeev vẫn mãi chưa thể vươn tầm để tiếp cận với đẳng cấp thế giới?

Ra mắt đội một năm 16 tuổi, Akinfeev lập tức để lại ấn tượng trong lần đầu khoác áo CSKA Moscow. Anh cản phá 1 quả penalty và giữ sạch lưới khi đối đầu với CLB Krylia Sovetov Samara tại giải VĐQG Nga.

Với những tín đồ của tựa game quản lý bóng đá nổi tiếng Football Manager,  Akinfeev chắc chắn không phải là một cái tên xa lạ. Ở độ tuổi 16, anh được đánh giá là một trong những "Wonderkid" (tài năng trẻ) hàng đầu không chỉ của bóng đá Nga, mà là của toàn thế giới.

Đến năm 17 tuổi, Akinfeev bắt đầu trở thành một cái tên quen thuộc trong đội hình ra sân của CSKA Moscow và giành được 3 danh hiệu VĐQG Nga liên tiếp khi mới bước sang tuổi 20.

Tại sao ‘người hùng nước Nga’ chưa vươn tầm thế giới? - Bóng Đá

Dù được giới chuyên môn đánh giá rất cao nhưng Akinfeev vẫn chưa thể phát triển được tới trần tiềm năng của mình. 

Với khởi đầu ấn tượng, ai cũng tin rằng Akinfeev sẽ tiếp bước huyền thoại Lev Yashin để trở thành người gác đền số một thế giới trong tương lai. Thế nhưng, khi đã bước sang tuổi 32, anh vẫn chưa một lần vươn tới với đẳng cấp của những thủ thành hàng đầu.

Chấn thương dai dẳng, cùng với sai lầm sơ đẳng...

Hiện nay, Akinfeev đã có thâm niên ăn cơm tuyển lên tới 14 năm. Anh ra mắt ĐTQG trong trận thua 2-3 trước Na Uy vào ngày 28/4/2004 và thậm chí sau đó còn được góp mặt trong thành phần ĐT Nga tham dự Euro 2004 ở tuổi 18. Tất nhiên, Akinfeev chỉ là sự lựa chọn thứ 3 sau Malafeev và Ovchinnikov.

Một năm sau, chàng trai trẻ khi ấy mới 20 tuổi đã vượt mặt hai người đàn anh để trở thành lựa chọn số một cho vị trí người gác đền ĐTQG trong suốt hành trình vòng loại World Cup 2006.

Ở giai đoạn bản lề sự nghiệp, rõ ràng mọi chuyện đang diễn ra quá thuận lợi với chàng trai sinh ra ở Moscow. Thế nhưng, trong giai đoạn suôn sẻ nhất, khó khăn bỗng nhiên ập đến với Akinfeev.

Chấn thương dây chằng đầu gối gặp phải trong trận hòa 1-1 với Rostov năm 2007 buộc thủ thành sinh năm 1986 phải rời xa sân cỏ trong vòng 4 tháng. Như một hệ quả tất yếu, anh lập tức để mất vị trí ở ĐTQG vào tay Malafeev. 

May mắn cho thủ môn của CSKA Moscow khi anh kịp bình phục và lấy lại suất bắt chính trước thềm Euro 2008. Đó là giải đấu mà ĐT Nga, với lứa cầu thủ tài năng như Arshavin, Pavlyuchenko, Zhirkov hay Akinfeev đã xuất sắc đi tới trận bán kết và chỉ chịu khuất phục trước những nhà vô địch, ĐT Tây Ban Nha.

Tại sao ‘người hùng nước Nga’ chưa vươn tầm thế giới? - Bóng Đá

Akinfeev là một phần trong lứa cầu thủ tài năng của ĐT Nga tại Euro 2008. 

Đến năm 2011, số phận một lần nữa thử thách ý chí của Akinfeev. Lại là chấn thương dây chằng đầu gối buộc anh phải rời xa sân cỏ và đành ngậm ngùi nhìn suất bắt chính một lần nữa rơi vào tay của Malafeev.

Rõ ràng, những chấn thương dây chằng là chướng ngại rất lớn trong quá trình phát triển của thủ thành này. Mãi đến tận World Cup 2014, vị trí người gác đền số một mới lại quay trở về với Akinfeev.

Chật vật để lấy lại vị trí, thế nhưng World Cup 2014 lại là một miền ký ức đáng quên với chàng trai này. Trong trận đấu với ĐT Hàn Quốc, sau cú sút không mấy nguy hiểm của Lee Keun-Ho, Akinfeev mắc sai lầm sơ đẳng và biếu không cho đối thủ một bàn thắng.

ĐT Nga kết thúc giải đấu với vị trí thứ 3 tại vòng bảng và bị loại. Với riêng thủ thành của CSKA Moscow, sai lầm gặp phải trong trận ra quân để lại dư chấn tâm lý và Akinfeev đã phải mất rất lâu để có thể vượt qua quãng thời gian khó khăn đó.

Cho đến tâm lý "lười xuất ngoại" của cầu thủ Nga

Khoảng chục năm trước, bóng đá Nga có một ngôi sao đình đám đó là Andrei Arshavin. Dù nhận được rất nhiều sự quan tâm từ những gã khổng lồ như Barcelona hay Real Madrid, anh vẫn từ chối. Một quan chức thể thao Nga từng nói: "Tôi không biết họ có thể trả lương bao nhiêu cho Arshavin".

Thật vậy, đa số cầu thủ Nga thi đấu trong nước vì lương cao. Tất nhiên, cũng có lúc kinh tế Nga biến động, thậm chí đối diện nguy cơ khủng hoảng. Nhưng có một thói quen mang tính hệ thống: cầu thủ Nga rất "lười xuất ngoại".

Xét về thể chất, cầu thủ Nga không hề thua kém bất kỳ ai trên thế giới. Nhưng bóng đá Nga mãi không vươn lên được đẳng cấp cao chính là vì sự thua sút về lối chơi, không có đường nét hiện đại. Họ có kỹ thuật, nhưng là kiểu "lắt nhắt", chứ không phải đỉnh cao như Barcelona hay Bayern Munich.

Tại sao ‘người hùng nước Nga’ chưa vươn tầm thế giới? - Bóng Đá

Arshavin và Pavlyuchenko là 2 trong số ít những cầu thủ Nga xuất ngoại sau chiến tích tại Euro 2008. 

Akinfeev cũng không nằm ngoài xu hướng "lười xuất ngoại" của các cầu thủ Nga. Nói về vấn đề này, HLV thể lực Paulinho Granero của CSKA Moscow chia sẻ: "Akinfeev, cũng giống như Golovin, Dzagoev hay Mario Fernandes, là một trong những cầu thủ hàng đầu thế giới. Họ rất chuyên nghiệp trong sinh hoạt, từ những vấn đề nhỏ nhất và luôn tập luyện chăm chỉ mỗi ngày. 

Tất nhiên, họ có đủ khả năng thi đấu ở những giải đấu hàng đầu như tại Anh hay Tây Ban Nha. Akinfeev đã từng được liên hệ để chuyển tới thi đấu cho Manchester United. Họ cần thay đổi môi trường và thử thách bản thân ở những giải đấu khác nhau", Goal dẫn lời vị HLV này.

Một bản hợp đồng chuyển tới thi đấu ở nước ngoài, dù ngắn hạn, cũng sẽ là thước đo hoàn hảo cho biết năng lực của thủ môn này đang ở đâu so với mặt bằng chung của thế giới.

Và có lẽ không chỉ riêng Akinfeev, đã và đang có rất nhiều ngôi sao người Nga, dù tiềm năng rất lớn nhưng cũng không thể phát tiết được hết những giá trị của mình. Bởi đơn giản, giải VĐQG Nga không phải là nơi để họ có thể chạm đến trần tiềm năng và vươn mình trở thành những ngôi sao hàng đầu thế giới.

Nguồn: Zing.vn
Hoàng Linh | 07:54 02/07/2018